CHÙA HANG – EM ĐI CHƯA?
Nhân dịp Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu sẽ được tổ chức trọng thể ngày 27-7-2014 (tức ngày 1-7 âm lịch) tại Chùa Hang (Cốc Tự), tọa lạc ở khu 1, phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn, dưới sự trụ trì của Đại đức Thích Giác Hiệu. Xin được chia sẻ dưới đây một vài hiểu biết về ngôi cổ tự danh tiếng và tự hào của Phật giáo TP Hải Phòng nói riêng, của Phật giáo Xứ Đông nói chung…
Sách “Chùa cổ Hải Phòng – tập 1” chép: Chùa Hang đã hình thành từ những năm trước công nguyên. Nguyên thời Hùng Vương, có một nhà sư tên gọi Phật Quang (dân quen gọi là sư Bần), người xứ Thiên Trúc (Ấn Độ) dong thuyền đi truyền đạo khắp nơi đã đến ẩn cư tại một hang đá ở khu Vạn Tác (nay thuộc Đồi 186 – Đồ Sơn) rồi lập chùa, lấy đây là chỗ tu hành đắc đạo. Được ít lâu, Thánh Chử Đồng Tử (một trong Tứ Bất Tử trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt), trong một lần cùng với thương gia xuôi thuyền qua đây, đã lên bờ ghé vào đảo Quỳnh Viên (còn gọi là Quỳnh Vi) xin nước ngọt. Tại đây, Chử Đồng Tử có cuộc hạnh ngộ với sư Phật Quang, được sư thuyết pháp “cây gậy và chiếc nón lá” và dặn: những vật này làm chìa khóa cho mọi năng lực thần bí. Trên đường về, Chử Đồng Tử đã dùng chính cây gậy thần mà sư Bần ban cho để cứu sống nhiều dân lành bị dịch bệnh ở nhiều vùng quanh Hải Phòng ngày nay. Cũng từ đó, Chử Đồng Tử bàn với vợ là công chúa Tiên Dung đem đạo Phật được sư Bần truyền dạy đi khắp bốn phương trời, tu hành đắc đạo và hóa thánh… Căn cứ vào những sử liệu điền dã còn lưu truyền đến ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, phật giáo như: Nhà sử học Ngô Đăng Lợi, nguyên Chủ tịch Hội KHLS Hải Phòng, GS. Lê Mạnh Thát, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Thanh Giác, trụ trì Chùa Phổ Chiếu đều cho rằng, Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam qua cửa Chùa Hang (hiện nay Đại đức Thích Giác Hiệu đang trụ trì). Các sử liệu điền dã cũng thể hiện, sư Bần còn dựng Chùa Bần trên núi Mẫu nhưng sau đó Người quay lại Chùa Hang tiếp tục tu hành và viên tịch tại đây.
Chùa Hang thủa xa xưa vốn là một hang núi, nằm sát mép nước biển, lòng hang sâu hình chiếc thang, sâu vào phía trong, nơi đặt tượng Phật và nhiều đồ tế khí. Tuy nhiên, trải qua biến thiên của lịch sử, ngôi cổ tự có bề dày vào loại lâu đời nhất nước Việt đã bị xuống cấp, hoang phế. Từ những năm 1990 trở lại đây, chùa Hang được trùng tu, sửa chữa nhiều lần cho đến ngày nay được khang trang, đẹp đẽ như mọi người đều chiêm bái.
Tượng sư Bần bằng đá xanh cao 0,59m, tọa thiền trên tòa sen
Tòa Bảo Điện của Chùa Hang hiện nay rộng khoảng 100m, có bố cục chữ Nhất, mặt chính quay hướng Đông, lưng dựa vào núi, ở thế đắc địa, cao ráo. Bảo Điện Chùa Hang được thiết kế 3 tầng, 8 mái. Tầng 1 kết cấu bê-tông vững chắc, bao gồm: tăng phòng, nhà khách. Tầng 2 và tầng 3 được làm bằng gỗ tốt là nơi đặt bàn thờ Chư Phật, Chư Thiên, Hộ Pháp… cùng nhiều cây cỏ, hoa lá, linh vật hết sức cầu kỳ, tinh xảo. Khu Nhà Tổ đặt ban thờ, khám thờ các nhân vật lịch sử như: Thánh Chử Đồng Tử, Đức Trần Triều, Tam Tòa Thánh Mẫu; có ban thờ sư Phạm Ngọc (lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ giặc Minh, nay ở Đồ Sơn có đường Phạm Ngọc). Đặc biệt, tượng sư Bần bằng đá xanh cao 0,59m, tọa thiền trên tòa sen, tóc quăn thành từng búi, tai dài… Bức tượng tạc sư Bần trong tư thế khoanh chân kiết tường, lộ bàn chân phải, rất trang nghiêm, hạnh đạo. Ngoài ra, Chùa Hang còn nhiều báu vật khác như: bát hương đá, giếng nước cổ…
Tòa Bảo Điện của Chùa Hang
Là ngôi cổ tự có từ lâu đời ở vùng Đồ Sơn địa linh, thắng cảnh, Chùa Hang là dấu ấn đặc biệt riêng có của cư dân nơi đây. Chùa Hang từ lâu đã đi vào thơ ca sử sách của vùng đất này, ví như câu:
Chùa Hang, Động Phật, Hang Dơi
Bốn phương, tám hướng, chẳng nơi nào bằng
Hay như câu:
Chùa Hang cảnh vật nhiệm màu
Ấy là Bụt mọc hay bầu tiên xây…
Có thể nói, những dấu ấn của Chùa Hang từ nghìn xưa để lại, cho đến ngày nay đã và đang được Đại đức Thích Giác Hiệu cùng đông đảo tăng ni, phật tử, du khách thập phương dốc lòng tôn tạo, trùng tu, mở mang to đẹp, đã lưu giữ lại những giá trị lịch sử Phật giáo to lớn, góp thêm vào kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc của đất nước. Thành tâm chiêm bái chùa cảnh, dâng hương cúng Phật ở chùa Hang chính là việc hướng thiện cho tâm hồn thanh thản, thấm đẫm chất nhân văn, để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn…
ỦNG HỘ ĐỒNG BÀO BÃO LỤT MIỀN TRUNG
Chương trình kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào bão lụt các tỉnh miền Trung được Nhóm...
HẠNH PHÚC LÀ CHIA SẺ YÊU THƯƠNG ĐẾN TẬN CÙNG!
Hàng năm, cứ đến dịp ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3 thì Nhóm tình nguyện Niềm Tin,...
TRÍCH QUỸ NIỀM TIN, TRAO 2 TRIỆU ĐỒNG HỖ TRỢ KHẨN CẤP BỆNH NHÂN TRỊNH VĂN LỢI
Tối ngày 16-2, đại diện Nhóm tình nguyện Niềm...
ĐĂNG KÝ MUA DƯA HẤU ỦNG HỘ NÔNG DÂN TỈNH GIA LAI
Ban giám hiệu Trường PTNC Hai Bà Trưng và Ban giám hiệu Trường mầm non Bầu Trời...
HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN ĐẦU NĂM 2020
Sáng ngày 13-2-2020, chị Cao Hương Giang – Chủ nhiệm Nhóm tình nguyện Niềm Tin cùng anh chị em đồng...