KHÔNG AI GIÀU BA HỌ, KHÔNG AI KHÓ BA ĐỜI…

KHÔNG AI GIÀU BA HỌ, KHÔNG AI KHÓ BA ĐỜI…

(Viết tiếp ước mơ của cậu học trò “nghèo từ trong trứng”:)

Chương trình trợ giúp cháu Phạm Thái Hoàng, học sinh nghèo vượt khó ở huyện Tiên Lãng của Nhóm tình nguyện Niềm tin đã được nhiều nhà hảo tâm, anh chị em thành viên và bạn bè gần xa nhiệt tình ủng hộ. Chỉ tính đến 17h chiều 27-8, nghĩa là chưa đầy 1 ngày kể từ khi phát động, Niềm tin đã nhận được ít nhất trên 14 triệu đồng.

Câu chuyện về cậu học trò Phạm Thái Hoàng vẫn kiên trì theo đuổi con chữ trong cảnh “nghèo từ trong trứng nghèo ra” được Niềm tin trợ giúp đã lan toả nhanh chóng đến với các hội nhóm tình nguyện nói riêng và cộng đồng thiện nguyện Hải Phòng nói chung. Trưa nay, thật bất ngờ, chúng tôi nhận được email của một người bạn cũ, cũng từng tham gia một hội nhóm thiện nguyện (xin được giấu tên) chia sẻ thêm nhiều điều không mấy ai biết về gia đình của Phạm Thái Hoàng, từ... gần 10 năm trước!


Ảnh gia đình anh Khâm chụp năm 2007 bên người mẹ già 86 tuổi (mẹ anh Khâm)

Theo lời kể của bạn chúng tôi, năm 2007, nhóm thiện nguyện này đã tìm về thôn Nêu, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng để giúp đỡ cho gia đình anh Phạm Văn Khâm và chị Nguyễn Thị Lan. Khi ấy, cu Hoàng mới lên 7 tuổi, người gầy bé như cái dãi khoai. Chị Lan lúc đó đã quần quật làm lụng trên vài sào ruộng cấy từ sáng tinh sương đến khi trời tối mù mịt, đom đóm lập loè khắp cánh đồng. Lúc bạn chúng tôi đến, bà cụ mẹ anh Khâm đã 86 tuổi, sức khoẻ yếu, hầu như chỉ ngồi một chỗ. Anh Khâm đã trở bệnh tâm thần, những khi tỉnh táo, anh ấy ra con mương đầu làng cạnh cầu Nêu đánh dậm, thả vó tép hay mò cáy còng đem về chợ thôn bán lấy tiền đóng học cho con trai. Khi đó cháu Hoàng mới học lớp 2. Có điều lạ, lúc lên cơn điên dại, anh Khâm đốt hết giấy tờ tuỳ thân nhưng lại nâng niu cất giữ như báu vật… cuốn y bạ của Bệnh viện tâm thần! Bác sỹ Phạm Văn Mệnh – Trạm trưởng Trạm tâm thần Vĩnh Bảo ngày đó đã kết luận: bệnh nhân Phạm Văn Khâm bị bệnh tâm thần phân liệt ở thể nhẹ nên có thể điều trị ngoại trú ở nhà. Nhà chị Lan lúc ấy đã dột nát, xuống cấp rồi. Chị ấy có nguyện vọng muốn có 1 con bò để chăn, khi nào bò lớn, chị đã bán đi lấy tiền sửa nhà. Sau đó nhóm thiện nguyện đã quyên góp được 5 triệu đồng, mua 1 con bê tặng gia đình. Chị Lan phấn khởi lắm, chăm sóc con bò rất chu đáo. Thằng Hoàng ngoài giờ học ở trường là chạy ngay về dắt bò đi chăn. Một năm sau, con bò tơ béo mượt như nhung đem bán được 7 triệu đồng. Nhưng bất ngờ gia đình xảy ra nhiều việc, anh Khâm đổ bệnh, thuốc men, chữa trị cả một thời gian dài nhưng cũng không đỡ. Cũng từ đấy, anh không ra đồng thả lờ đánh dậm được nữa, gánh nặng chi tiêu đè hết lên đôi vai chị Lan, vừa chăm chồng bệnh, vừa lo con trai ăn học lại phải phụng dưỡng bố mẹ chồng. Thế là con bò “đội nón ra đi” trong khi căn nhà thì vẫn sập xệ như trước…


Hai mẹ con cháu Hoàng  đc một hội nhóm thiện nguyện tặng con bê năm 2007

Nhưng bất ngờ anh Khâm bị bệnh dài ngày ko làm được khiến gánh nặng chi tiêu đè nặng lên đôi vai chị Lan

Người bạn chúng tôi chia sẻ: gia đình chị Lan rất nghèo. Làng Nêu ngày ấy cũng còn nghèo lắm. Xã Quang Phục huyện Tiên Lãng vốn có nghề trồng thuốc lào và dệt chiếu cói. Dạo xưa, thời còn hoàng kim, 1 cân thuốc lào Tiên Lãng đem lên miền ngược có thể đổi được 1 con trâu mộng! Nhưng giờ thì không còn nữa. Dân ta nhiều người còn không hút thuốc lá nữa là thuốc lào! Vào vụ mùa, những nong thuốc phơi vàng óng dọc từ cầu Đen xuống cầu Nêu mà chẳng tiêu thụ được bao nhiêu… Ngay nghề dệt chiếu cũng thế. Làng Lật Dương bên cạnh làng Nêu xưa kia rộn rã tiếng thoi, tiếng suốt. Có nguồn cói Chấn Dương, Vinh Quang tốt có tiếng, chiếu Quang Phục toả đi khắp các tỉnh, thành miền Bắc. Có độ, ở phiên chợ Triều Đông, những cuộn chiếu điều thơm phức, trắng tinh, nổi bật in hoa hồng, đôi chim bồ câu cắn mỏ hay chữ “song hỷ” được lái buôn đổ về khuân đi bao nhiêu cũng hết. Giờ dân ta nằm đệm ấm chăn êm cả, chiếu cói mất dần chỗ đứng. Ngay cả “thủ phủ chiếu cói Lật Dương” giờ cũng chỉ còn vài nhà làm, chủ yếu dệt chiếu cho… khách du lịch xem!

Chúng tôi lặng người xúc động nhìn lại những bức ảnh được các bạn thiện nguyện chụp từ gần 10 năm trước. Vẫn dáng người cục mịch của chị Lan, ánh mắt đờ dại, nụ cười vô hồn của anh Khâm và khoé miệng móm mém lúc nào cũng như mếu của bà cụ mẹ anh Khâm lúc sinh thời. Riêng thằng cu Hoàng thì nhỏ thó, đứng chưa quá thừng sẹo con bò. Hồi ấy, có lạc quan lắm cũng không ai nghĩ nó “trụ” được hết tiểu học chứ đừng nói tới chuyện đàng hoàng thi đỗ cấp 3, trở thành học sinh giỏi tiêu biểu của huyện nhà.
Trước khi khuất núi, về với tiên tổ làng Nêu, ông bà nội của Hoàng nói chắc như đinh đóng cột: Ở đời không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Phạm Thái Hoàng là đời thứ 4 rồi, liệu đói nghèo có còn đeo bám gia đình ấy mãi?

Niềm tin.

Đớn đau cảnh những đứa trẻ mắc bệnh “lột da”

Đớn đau cảnh những đứa trẻ mắc bệnh “lột da”

Một căn bệnh bẩm sinh quái ác khiến những đứa trẻ từ lúc sinh ra đã có...

ƯỚC MƠ CỦA CẬU HỌC TRÒ “NGHÈO TỪ TRONG TRỨNG”…

ƯỚC MƠ CỦA CẬU HỌC TRÒ “NGHÈO TỪ TRONG TRỨNG”…

Trong tiết trời oi bức, nắng chói chang cháy xém vạt cỏ những ngày đầu mùa...

TIẾP TỤC TRAO TIỀN ỦNG HỘ BỆNH NHÂN NGUYỄN THỊ HOA

TIẾP TỤC TRAO TIỀN ỦNG HỘ BỆNH NHÂN NGUYỄN THỊ HOA

Sáng nay 26-8, bạn Trần Thị Hạnh (fb: Kiến Lửa), sinh viên Y4 – Đại học...

CẢM ĐỘNG RƠI NƯỚC MẮT Ở ĐẠI LỄ VU LAN BÁO ƠN BÁO HIẾU – CHÙA HANG

CẢM ĐỘNG RƠI NƯỚC MẮT Ở ĐẠI LỄ VU LAN BÁO ƠN BÁO HIẾU – CHÙA HANG

Trong 2 ngày 22, 23-8 (tức ngày 9, 10-7 âm lịch), chùa Hang (phường...

FaceBook

Cùng chúng tôi trên Facebook