HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM THÂN NHÂN BÀ VŨ THỊ KHUYÊN (Bài 1)
Trong quá trình hoạt động thiện nguyện, chúng ta không chỉ gặp những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh cần trợ giúp mà do nhiều nguyên nhân, xã hội cũng còn nhiều hoàn cảnh bị thất lạc, nay rất muốn mọi người giúp thông tin để đoàn tụ người thân.
Như đã thông tin, từ ngày 1-5, nhóm Niềm tin triển khai phát động tìm kiếm đoàn tụ các trường hợp thất lạc người thân ở Hải Phòng, trong đó đầu tiên là trường hợp bà Vũ Thị Khuyên, sinh năm 1942, thất lạc người thân ở vùng chợ Đôi – huyện Tiên Lãng năm 1946. Ngay sau khi biết tin, nhiều thành viên của nhóm đã tích cực chia sẻ thông tin, đưa ra nhiều giả thuyết về trường hợp thất lạc của bà. Chúng tôi chân thành cảm ơn anh Trung Nghĩa, Trưởng Nhóm NGƯỜI HẢI PHÒNG đã ngay lập tức chia sẻ những thông tin về bà Khuyên trong anh em NGƯỜI HẢI PHÒNG và mọi người ở khắp muôn nơi.
Bà Vũ Thị Khuyên
Và sau 68 năm, anh em Niềm tin đã lên đường về với huyện Tiên Lãng, tìm lại dấu vết thất lạc khi xưa của bà Khuyên trong hành trình dưới đây…
Chợ Đôi Tiên Lãng – mùa đông năm 1946.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, lợi dụng tình hình quốc tế bất lợi, chính quyền cách mạng của cụ Hồ Chủ Tịch còn non trẻ, nạn đói từ năm trước vẫn còn hoành hành, thực dân Pháp mở nhiều đợt tấn công càn quét từ Thái Bình sang, từ Hải Dương xuống, thọc sâu vào nông thôn Hải Phòng, nhất là 2 huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Tháng 11 năm 1946, Pháp tái chiếm Hải Phòng, tiếp tục đàn áp nhân dân với quy mô lớn. Bom đạn nổ khắp nơi, lửa cháy ngút trời, đồng bãi tan hoang, những vạt ruộng thuốc lào cháy dở, khét lẹt đỏ rực cạnh dòng người tản cư tránh càn của Pháp dồn ứ ở vùng chợ Đôi – Tiên Lãng. Trong chợ có một bác thầy đồ chân yếu tay mềm dắt díu người vợ mù và đàn con dại run rẩy hòa lẫn vào dòng người chạy loạn. Lúc này giặc giã nổi lên, không ai còn bụng dạ nào nghĩ đến chữ nghĩa thuê viết treo chơi trong nhà, thầy đồ hoa tay có tiếng ở chợ Đôi không còn kế sinh nhai, trong khi người vợ mù và đàn con dại chẳng còn gì để ăn. Trước hoàn cảnh nguy cấp đó, đôi vợ chồng nghèo cắn răng bàn nhau gạt nước mắt xuôi qua “đò khổ” (Phà Khuể sau này) vượt sông Văn Úc sang tỉnh lỵ Kiến An, mang đứa con gái mới 4 tuổi đầu cho đi làm con nuôi, với hy vọng bé thoát khỏi cảnh loạn ly, chết đói…
Cô bé ấy được gia đình nhận nuôi ở Kiến An đặt tên là Vũ Thị Khuyên. Một thời gian khoảng vài năm sau, cũng vì hoàn cảnh, Khuyên theo gia đình nuôi vào Nam sinh sống, và thất lạc với bố mẹ đẻ cùng anh chị em ruột từ đấy…
Gần 70 năm sau, một ngày đầu hè năm 2014, chúng tôi qua cầu Khuể tìm về cảnh cũ người xưa của bà Vũ Thị Khuyên. Dòng sông Văn Úc vẫn ngầu đỏ phù sa. Bên kia là chợ Đôi vẫn sừng sững như hàng trăm năm nay vẫn thế. Cảnh cũ thì vẫn vậy nhưng dòng người thì đã đổi thay nhiều lắm. Chợ Đôi ở Tiên Lãng, cách nội thành Hải Phòng gần 20km, có món thịt chó với hương vị đặc trưng, nức tiếng cả nước. Bạn Sara Le chia sẻ: “Dừng ngay ven đường trước khi khảo sát khu vực chợ Đôi, chúng tôi ngồi hỏi chuyện ở một quán nước. Ông chủ quán nước là một người cao tuổi và sống lâu năm tại Tiên Lãng, ông đã xác định rõ địa điểm chúng tôi cầm tìm là chính xác. Theo thông tin người dân vùng này, không biết cái tên “chợ Đôi” có từ bao giờ chỉ biết nó có từ rất lâu. Cấu trúc của chợ giống như cái tên chợ Đôi của nó. Chợ được ngăn làm đôi bằng một con đường chạy dọc, hai nửa đối diện với nhau. Một bên bán tất cả các loại thực phẩm, một bên là bán quần áo đồ gia dụng và đây cũng bán rất nhiều giò chả, phía sau chợ là món thịt chó trứ danh. Ngoài ra chúng tôi xác minh chính xác thông tin ở Tiên Lãng trồng thuốc lá và thuốc lào như đã ghi trong hồ sơ. Một người bà tên Nụ đã nói rằng trước nạn đói năm 1945, chợ Đôi là một vùng đất dân cư rất nghèo, nhiều gia đình không nuôi được con phải cho làm con nuôi như trường hợp bà Khuyên là rất nhiều. Tuy nhiên, có một bất ngờ mà chúng tôi không ngờ tới, ông bán quán nước có băn khoăn họ Vũ của bà Khuyên không rõ là họ thật của bà hay là của gia đình bà được nhận làm con nuôi. Theo ông quán nước, họ Vũ ở vùng chợ Đôi- Tiên Lãng có nhiều ở thôn Phú Kê, nay thuộc thị trấn Tiên Lãng.”
Hiện nay Cầu Khuể đã thay thế cho Phà Khuể. ( Ảnh : Khoa Sẹo)
Dòng sông Văn Úc, sáng ngày 3/5/2014.( Ảnh : Khoa Sẹo)
Thị Trấn Tiên Lãng ( Ảnh : Khoa Sẹo)
Chợ Đôi - ngay trung tâm Tiêng Lãng, với món thịt chó có hương vị rất riêng ko đâu có được.(Ảnh : Khoa Sẹo)
Dân địa phương mách với chúng tôi, ở vùng này có ông cụ Phong, năm nay ngoài 80 tuổi, làm nghề viết câu đối thuê và thầy cúng, có thể ông ấy sẽ nhớ được về bố mẹ và anh chị em ruột của bà Khuyên chăng?
Nhưng đáng tiếc, khi chúng tôi tìm được vào nhà cụ Phong thì cụ lại không có nhà. Vậy là phải hẹn gặp cụ trong chuyến đi lần tới.
Trên đường về, chúng tôi bắt gặp những bông phượng đầu tiên đã nở rực hồng trong nắng mới ở chân dốc cầu Niệm, cửa ô phía Tây Nam thành phố. Một mùa hè mới đã bắt đầu, có thể sẽ hé lộ những thông tin mới mẻ hơn giúp chúng tôi tìm được người thân cho bà Khuyên, để thỏa ước nguyện cuối đời của người con đã thất lạc gia đình gần bảy thập kỷ…
Khoa Sẹo.
CÔNG KHAI VÀ QUYẾT ĐỊNH PHƯƠNG ÁN SỬ DỤNG TIỀN ỦNG HỘ BỆNH NHÂN HÀ THỊ NGÂN
Niềm tin: 11/09/2013 Chiều ngày 11-9, tại Bệnh...